Dịp lễ, Tết lẽ dĩ nhiên bạn sẽ bận rộn với việc nấu nướng, tiệc tùng liên miên. Một căn bếp thông minh thì thế nào nhỉ?
Trang CNET khẳng định 2016 là “một năm thành công của thiết bị nhà bếp thông minh”, còn trang BGR tuyên bố 2017 là “thời điểm tỏa sáng” của tủ lạnh thông minh.
Với sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo (AI), đã đến lúc chúng ta vừa chuẩn bị bữa tối vừa trò chuyện với “ông vua của căn bếp”. Và không chỉ có thế. Căn bếp thời @ sẽ là nơi hội tụ của sự thông minh hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.
Tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2017 vừa diễn ra ở Las Vegas (Mỹ), nhiều sản phẩm nhà bếp thông minh đã được trình diễn, đủ làm rung rinh những trái tim yêu thích nấu nướng.
Khi tủ lạnh nhắc người đi chợ phải mua gì
Một trong những sự kiện đáng chú ý ở CES 2017 là cuộc “song đấu tủ lạnh thông minh” giữa hai gã khổng lồ Samsung và LG. Samsung trình làng thế hệ thứ 2 của dòng tủ lạnh thông minh Family Hub, còn LG ra mắt InstaView.
Cả hai đều có kết nối WiFi, cửa tủ là màn hình cảm ứng hoạt động như một smartphone khổng lồ và bên trong có gắn camera.
Hãy hình dung gian bếp quen thuộc trong nhiều gia đình: trong góc là chiếc tủ lạnh với cửa dán chi chít giấy ghi chú, xen lẫn vài tấm ảnh chụp gia đình, và trên đầu tủ là chiếc tivi hay radio để bà nội trợ vừa nấu nướng vừa giải trí.
Với tủ lạnh thông minh, những chức năng phụ này sẽ hoàn toàn số hóa. Các ghi chú ảo hiển thị trên cửa tủ - kiêm - màn hình, bà nội trợ có thể tra cứu công thức nấu ăn ngay trên cánh cửa đó, và tủ lạnh sẽ đọc luôn công thức cho họ nghe.
Chiếc tivi hay radio đặt trên đầu tủ cũng không còn cần thiết, bởi bạn có thể chơi nhạc và video thông qua màn hình cảm ứng trên cửa tủ.
Camera gắn trong sẽ tự chụp ảnh bên trong tủ mỗi lần đóng cửa và gửi hình vào smartphone của người dùng, giúp giải quyết vấn đề cố hữu của các bà nội trợ: ra đến chợ mới sực nhớ không biết ở nhà còn trứng không để mua thêm. Không vấn đề gì, chỉ cần xem lại hình ảnh của tủ ngay trên điện thoại!
Và bạn cũng có thể vừa nấu nướng vừa trò chuyện với chiếc tủ lạnh của mình. LG tích hợp trợ lý ảo Alexa của Amazon vào InstaView để sẵn sàng chơi nhạc hoặc tra cứu dự báo thời tiết theo yêu cầu bằng giọng nói của bạn.
Người dùng cũng có thể dạy trò mới cho InstaView như gọi xe Uber hoặc canh giờ, kiểu như: Này tủ lạnh, ta cần ướp chỗ thịt này trong 30 phút, bấm giờ giúp với nhé! Nếu người dùng có tài khoản Amazon Prime, họ có thể đặt mua thực phẩm bằng cách ra lệnh cho InstaView.
Family Hub 2.0 cũng sử dụng chức năng nhận diện giọng nói Samsung S Voice, cho phép người dùng ra lệnh cho tủ lạnh thực hiện các tác vụ tương tự như InstaView.
Nếu góc nhà đã có chiếc tủ lạnh thông minh, cớ gì bạn không tậu luôn bếp tủ liền lò (kết hợp giữa lò nướng điện và bếp nấu dùng gas) biết bày “bí kíp” nấu ăn cho người dùng? Dacor, công ty con của Samsung Hoa Kỳ, và hãng gia dụng Đức Miele đều có những sản phẩm bếp tủ liền lò thông minh có thể khiến bà nội trợ không còn chê vào đâu được.
Sản phẩm của Miele được trang bị màn hình cảm ứng để người dùng tra cứu danh mục hơn 100 món ăn sẵn có.
Lò nướng sẽ trở thành thầy dạy nấu ăn, đưa ra mức nhiệt độ, thời gian nấu cụ thể cho từng món và hiển thị hướng dẫn từng bước một. Và nỗi lo lỡ đi đâu mà quên tắt bếp sẽ không còn nữa khi bạn có thể điều khiển chiếc bếp này từ xa thông qua smartphone.
Tương tự, bếp nấu của Dacor được trang bị màn hình cảm ứng, có WiFi, và vận hành thông qua ứng dụng có tên IQ. Thay vì chứa danh mục công thức nấu ăn để người dùng chọn như Miele, thiết bị của Dacor cho phép bà nội trợ tra cứu công thức nấu ăn hoặc xem video hướng dẫn trên mạng.
Bạn cũng không cần đứng chầu chực chờ món ăn chín, cứ việc để đấy và làm chuyện khác, vì Dacor sẽ gửi thông báo cho bạn biết khi bữa ăn đã sẵn sàng.
Thiết bị thông minh cho bạn những trải nghiệm bất ngờ |
Quả trứng dạy nấu ăn, lò nướng biết tuốt
Bạn có muốn có một trợ tá đắc lực trong bếp, giúp lên thực đơn cho cả tuần theo đúng gu và chế độ ăn uống của mình, lên lịch mua thực phẩm, đặt hàng giúp qua mạng, và hơn cả, dạy bạn nấu ăn? Cũng tại CES 2017, hãng công nghệ RnD64 đã cho ra mắt Hello Egg, một thiết bị thông minh thiết kế hình quả trứng có khả năng làm tất cả những việc trên.
Người dùng sẽ nhập thông tin về khẩu phần ăn uống của họ (ăn chay, kiêng đường...) và AI của Hello Egg sẽ lên thực đơn đi chợ cho cả 7 ngày trong tuần.
Phần đầu của “quả trứng” là màn hình, hiển thị các video dạy nấu ăn chi tiết từng bước một bằng giọng nói, để bạn chuyên chú học theo mà không phải sờ tay vào thiết bị.
Khi ở trạng thái bình thường, màn hình sẽ hiển thị con mắt mở to tròn, biết “liếc nhìn” người dùng và chớp mắt vô cùng sống động. Như mọi trợ lý ảo khác, ngoài chuyện bếp núc, Hello Egg còn có thể chơi nhạc, hiển thị thông tin thời tiết, đọc tin tức.
Hello Egg sẽ lên thực đơn đi chợ cho cả 7 ngày trong tuần |
Trong khi đó, chiếc lò nướng để bàn June của công ty startup June Life Inc (Mỹ) lại thông minh theo một cách khác. “June nhận diện món ăn bạn muốn nấu (mà không cần bạn phải lên tiếng) và sử dụng công nghệ học máy (machine learning) để chế biến món ăn đó một cách hoàn hảo” - Van Horn, một trong những kỹ sư tạo nên June, nói với Digital Trends.
Lò nướng June sẽ dùng camera gắn trong quét qua đĩa nguyên liệu được đưa vào và nhận diện đó là món gì để khởi động chế độ nướng tương thích.
Người dùng có thể theo dõi quá trình nấu qua ứng dụng trên smartphone, và điện thoại của họ cũng sẽ phát ra âm báo khi bữa ăn đã sẵn sàng. June hiện nhận diện được 50 món khác nhau và có khả năng học thêm món mới chưa có trong danh mục.
Trong bài viết hồi tháng 12-2016, tác giả Geoffrey Fowler của Wall Street Journal cho biết đã cùng biên tập viên của mình nấu gần 50 món khác nhau với June, và có đến “3/4 khiến chúng tôi hài lòng”.
Tủ lạnh thông minh |
Có đáng cho cuộc chơi hào nhoáng?
Những thứ hiện đại vẫn đôi khi trở nên “hại điện”, và nếu nhà bếp thông minh “có gì đó sai sai” thì sẽ nguy to, bởi chúng liên quan mật thiết đến dạ dày của ta. Trên trang TechRadar, tác giả Holly Brockwell cho rằng nhà bếp thông minh chỉ là “chiếc bánh nướng dở”.
“Thật đáng sợ khi nghĩ đến việc người ta sẵn sàng cho những thiết bị hoàn toàn có thể hỏng bất cứ lúc nào kiểm soát đồ ăn thức uống của họ” - Brockwell viết và nêu ra nhiều kịch bản dở khóc dở cười cho người dùng thiết bị nấu nướng thông minh nếu bỗng dưng chúng giở chứng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà cụ nhà bạn đang khát khô cổ mà không lấy nước được do máy lọc đang nâng cấp phần mềm? Chiếc ấm nước thông minh của bạn bị nhiễm virút đòi tiền chuộc (ransomware) và bạn không thể pha trà cho đến khi chịu trả tiền cho gã hacker.
“Và hãy tưởng tượng cảnh bạn phải xin lỗi vị khách mà mình mời đến nhà ăn tối, bởi chiếc lò nướng của bạn chỉ mới nướng được nửa bữa ăn vì chưa cài bản cập nhật bò rôti của hệ điều hành Android” - Brockwell hóm hỉnh.
Tác giả nhấn mạnh tất cả những ví dụ trên không hoàn toàn là nói đùa, bởi thiết bị nhà bếp thông minh rốt cuộc vẫn là phần mềm máy tính, hoàn toàn có thể bị virút, bị tấn công mạng và hỏng hóc.
Tính cần thiết của đồ dùng nấu bếp thông minh cũng gây tranh cãi trong giới công nghệ, như đã từng xảy ra với nhiều sản phẩm IoT (Internet of Things) khác.
“Có vẻ như thiết bị nhà bếp thông minh được phát minh ra để giải quyết các vấn đề mà thực tế chưa ai từng gặp phải” - vẫn là Brockwell viết trên Tech Radar.
Thực tế có nhiều ý kiến cho rằng sao phải tốn cả mớ tiền để mua cái tủ lạnh có màn hình và WiFi, trong khi đã có sẵn smartphone hay máy tính trong nhà. Và liệu chúng ta có sẵn sàng đứng trong bếp để đặt mua rau quả bằng cách lọ mọ bấm trên cửa tủ, trong khi có thể làm điều đó nhanh chóng với điện thoại của mình?
Brockwell thừa nhận thiết bị nhà bếp thông minh vẫn có nhiều mặt tốt như tránh lãng phí thức ăn, phòng cháy (không sợ ra khỏi nhà mà quên tắt bếp) hay tăng cường dinh dưỡng cho người dùng (nhờ ứng dụng giúp soạn thực đơn).
Vấn đề hiện tại chỉ là có quá nhiều nhà sản xuất nhảy vào cuộc chơi, dù họ chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thiết bị có kết nối Internet. Vì lẽ đó, trong tương lai sắp tới, khi các nhà sản xuất “trưởng thành”, Brockwell tin tưởng thị trường sẽ có nhiều sản phẩm thực sự hữu ích, thay vì cuộc chơi mang nhiều vẻ hào nhoáng như hiện tại.
Ở chiều ngược lại, Fowler của tờ Wall Street Journal cho rằng có thể chúng ta không thực sự cần chiếc lò nướng có WiFi và camera, song tậu một chiếc lò có thể giúp ta thôi vật lộn với việc nấu nướng không phải là ý kiến tồi. ■